22 thg 7, 2009

“Tôi không thích hai từ khó khăn”

“Tôi không thích hai từ khó khăn”

Anh thật thà thừa nhận mình theo đuổi nghiệp kinh doanh một cách rất “nghiệp dư”. Vào năm 1997, Phan Quốc Khánh quyết định đứng ra kinh doanh độc lập với suy nghĩ: “Mình là dân kỹ thuật, làm ra sản phẩm và có người mua thì cứ thế làm thôi”.

Tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về với chuyên ngành ghi trên tấm bằng của Phan Quốc Khánh không hề liên quan đến CNTT mà là “Kỹ sư điện”. Tuy nhiên, với niềm đam mê máy tính từ những năm 1980 nên anh quyết định lập nghiệp bằng việc mở công ty chuyên viết phần mềm.

Khi mới thành lập, FAST chỉ có duy nhất một phần mềm kế toán Fast Accounting. Anh cho biết “Khi đó khẩu hiệu của chúng tôi là " Chuyên sâu tạo nên sự khác biệt." Những năm đó, báo đài thường hay đùa vui về phong trào mở công ty “divutoho” – dịch vụ tổng hợp cho nên chúng tôi không muốn mình cũng là loại “divutoho” như thế. Theo như cha ông đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nên chúng tôi quyết định theo đuổi phát triển chuyên sâu một sản phẩm làm thế mạnh cho mình”.

Đa số, khi nhắc về thời gian khởi nghiệp người ta khó tránh hai từ “khó khăn, gian khổ” nhưng Khánh thì khác. Anh thật thà: “Tôi không thấy khó và cũng không có lúc nào khổ. Năm 1997 mà vốn điều lệ của FAST đã là 1 tỷ đồng, đã có khách hàng lớn như Lilama… thì sao mà phải kêu khó. Kể cả việc thành lập công ty, có thể người ngoài nhìn vào cho là mạo hiểm nhưng tôi thì không. Đó là niềm vui, là sự thích thú khi làm công việc tôi yêu thích. Chưa kể đến việc tiềm năng phát triển của phân khúc thị trường này rất lớn với số lượng doanh nghiệp không dừng ở con số mấy trăm ngàn”.

Lập nghiệp tâm niệm “Nhất nghệ tinh”

Được thành lập vào giữa năm 1997 nhưng do ký được một số hợp đồng lớn với Tổng công ty lắp máy Lilama, Tổng công ty dầu khí, một số đơn vị lớn về sản xuất… doanh thu của FAST năm đầu tiên vẫn đạt gần 300 triệu. FAST đã từng 3 lần nhận giải thưởng Sao Khuê: Năm 2005 cho sản phẩm phần mềm triển vọng; Năm 2007 cho doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tiêu biểu nhất; và năm 2008 FAST được đánh giá cao về dịch vụ tư vấn cài đặt, đào tạo và hỗ trợ ứng dụng phần mềm.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của FAST khoảng 20 – 30%/năm. Trong đó, 3 năm liên tục 2006, 2007 và 2008 tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức ấn tượng là 30%. Cho đến ngày hôm nay, FAST đã trưởng thành và cung cấp sản phẩm cho trên 3.500 khách hàng đang sử dụng các phần mềm: kế toán, quản lý doanh nghiệp, nhân sự, phân phối, tiền lương… Với hơn 250 nhân viên trên toàn quốc, hiện FAST có Văn phòng đại diện tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. “Chúng tôi có 1 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm hiện có, để cung cấp ra thị trường các sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng được đầy đủ sự thay đổi của xã hội. Hàng năm, tôi dành xấp xỉ 7% lợi nhuận để phát triển sản phẩm mới” anh nói.

Tháng 6/2009, FAST đã chính thức giới thiệu phiên bản mới của 3 sản phẩm Fast Business 3.0, Fast Financial và Fast Accounting 10.0 trong bộ các phần mềm quản trị doanh nghiệp của FAST. Tiếp theo, ngay trong năm 2009 này, FAST sẽ phát triển nâng cấp lên phiên bản mới cho các sản phẩm Fast Book – Phần mềm kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ và Fast Accounting for Education – Phần mềm kế toán phục vụ công tác đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng. Bộ 4 phần mềm: Fast Business, Fast Financial, Fast Accounting và Fast Book là cốt lõi của chiến lược mà FAST theo đuổi – đó là cung cấp các giải pháp khác nhau phù hợp với các nhóm, phân khúc khách hàng khác nhau.

Làm ăn với triết lý “Win – Win”

Tuy nhiên, biểu đồ tăng trưởng của FAST cũng có lúc thăng lúc trầm. Trong khoảng 2003 – 2004, tốc độ tăng trưởng của công ty gần như bằng không bởi sự ra đi của một số nhân sự chủ chốt. Khó khăn tác động đến công ty là không thể tránh khỏi và nó cũng đã được minh chứng bằng con số tăng trưởng 0%. Vẫn nụ cười rạng rỡ, cặp kính cận trắng đúng “dáng” kỹ sư tin học, Phan Quốc Khánh thẳng thắn: “Tôi không thích hai từ khó khăn. Quan điểm của tôi là chỉ có những việc phải làm và những việc phải vượt qua ở từng thời điểm. Việc phải làm lúc đó đối với tôi rất là đơn giản. Tôi bắt đầu xây dựng, tuyển thêm để bổ sung cho hệ thống nhân sự. Đó cũng là cơ hội để tôi biết mình sai chỗ nào để sửa sai, điều chỉnh trong tương lai”.

Năm 2009, anh đưa ra chiến lược “Giải pháp phù hợp – dịch vụ chu đáo” nhằm mục đích định vị thương hiệu FAST là một đối tác tin cậy của khách hàng, nhân viên, cổ đông và cộng đồng. Chiến lược đó được đưa ra trên quan điểm mỗi khách hàng đều có đặc thù, nhu cầu riêng của mình nên cần một giải pháp phù hợp. Sản phẩm, nếu đứng riêng nó, thiếu mảng tư vấn nghiệp vụ, quản trị dự án, thì cũng khó thành công trong ứng dụng cho doanh nghiệp. “Chăm sóc khách hàng cần có rất nhiều thứ như đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tư vấn và quản trị dự án có năng lực, kinh nghiệm, luôn cố gắng học hỏi, và sẵn sàng hỗ trợ khách hàng kịp thời. Nhưng theo tôi chốt lại đó là sự chu đáo. Có thể dịch vụ của chúng ta còn vài điểm thiếu sót nhưng khi có sự chu đáo trong đấy thì khách hàng sẽ hài lòng.”, Tổng Giám đốc Quốc Khánh khẳng định.

Tại FAST, mỗi một khách hàng được lập thành một file hồ sơ cụ thể và được ghi chép, theo dõi chi tiết đến từng yêu cầu phát sinh và các lỗi của chương trình khi gặp sự cố. Với một khách hàng mới sau khi ký kết hợp đồng, mọi thông tin cơ bản về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất… được các cán bộ kinh doanh chuyển sang phòng triển khai hoặc dự án. Phòng này có trách nhiệm thành lập đội dự án và lên kế hoạch triển khai với khách hàng.

Chiến lược phát triển này lý giải được vì sao Phan Quốc Khánh chọn “Win – Win” làm triết lý kinh doanh của mình. “Đó là triết lý kinh doanh nhiều người đã nói tới là làm thế nào để khách hàng và doanh nghiệp cùng hài lòng chứ không chỉ dành phần thắng cho một bên. Dù nhu cầu của khách hàng và doanh nghiệp thường xảy ra mâu thuẫn nhưng khi gặp mâu thuẫn thì tôi phải suy xét lại để cân bằng lợi ích đôi bên”.

Anh khẳng định việc cân nhắc tầm quan trọng của lợi nhuận khá đau đầu: “Kinh doanh thì phải có lợi nhuận nhưng tôi nghĩ rất ít người đặt lợi nhuận lên trên hết mà là ở các mức độ khác nhau. Bởi lợi nhuận được đem lại từ nhân viên, khách hàng chứ không phải chỉ do mỗi giám đốc nên không ai kinh doanh thông minh lại chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi nhuận. Việc cân bằng lợi ích là nghệ thuật của mỗi người để làm sao vừa có lợi nhuận cho cổ đông, vừa phát triển nhân viên và sản phẩm mà vẫn làm khách hàng hài lòng”.

Riêng đối với việc lãnh đạo FAST, “nghệ thuật lãnh đạo” được anh đưa ra dựa trên lý thuyết thế cân bằng để cân bằng giữa 4 thành phần chính của doanh nghiệp: tài chính, khách hàng, nhân viên và hệ thống quản trị nội bộ. Phải đầu tư vào 4 cái đấy. Việc đầu tư phải làm đồng đều và theo đuổi lâu dài về mặt chiến lược bởi để thực hiện được không hề đơn giản.

Phan Quốc Khánh có cái nhìn rất trìu mến và kỳ lạ về nghiệp kinh doanh của mình. Đối với anh, dường như FAST không chỉ là một công cụ kiếm tiền, một dấu mốc thỏa mãn đam mê mà còn là một “đứa con cưng”, “một phần cuộc sống” mà anh vô cùng yêu thích. Khi được hỏi kinh doanh ảnh hưởng gì đến cuộc sống, anh phản ứng khá mạnh: “Kinh doanh cũng là một phần cuộc sống nên không thể nói nó ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi được. Có người thì làm khoa học, có người làm công nhân… còn tôi thì làm kinh doanh, đơn giản như một nghề vậy thôi. Đối với tôi, kinh doanh là niềm vui, hạnh phúc giống như những giờ phút được chơi đùa với hai con, đọc một quyển sách hay hoặc một năm có vài ngày nằm phơi nắng trên bãi biển lộng gió”.

Phương Diệp - Tạp chí " Kinh doanh và Sản phẩm"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét