31 thg 3, 2009

Đồng bộ hóa CSDL 2 chiều nhờ DTS và JOB


Công ty CP Phát triển Công nghệ Nông thôn có hai chi nhánh được đặt tại Hưng Yên và Hà Tây. Làm cách nào để có thể nắm bắt các hoạt động kinh doanh của công ty một cách tập trung và nhanh nhất.
Đó là bài toán khó không chỉ đối với Công ty CP Phát triển Công nghệ Nông thôn, mà còn với cả các doanh nghiệp đang muốn mở rộng qui mô hoạt động bằng cách phát triển thêm nhiều chi nhánh, nhiều công ty thành viên... FAST đưa ra một giải pháp về việc đồng bộ hóa CSDL hai chiều giữa chi nhánh và trụ sở công ty, bằng cách sử dụng JOB và DTS.

Giải pháp này đã các kỹ sư của FAST triển khai thành công và đáp ứng yêu cầu cho Công ty CP Phát triển Công nghệ Nông thôn, cũng như nhiều công ty có mô hình hoạt động tương tự.

Những giải pháp thông thường

Hiện nay, các công ty thường trang bị phần mềm hỗ trợ tác nghiệp cho mỗi đơn vị thành viên. Tuy nhiên số liệu kế toán, bán hàng và sản xuất bị phân tán, không tập trung, khiến cho người quản trị rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định tức thì đối với hoạt động của công ty.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có hai nhóm giải pháp chính được áp dụng phổ biến hiện nay ở các doanh nghiệp, một là thực hiện làm chương trình online ở các đơn vị thành viên, hai là thực hiện đồng bộ hóa số liệu.
Giải pháp online ở các đơn vị thành viên được thực hiện thông qua đường truyền riêng, kết nối VPN, tốc độ Upload của đường truyền tối thiểu là 1MB, tốc độ download khoảng 2MB. Chi phí đầu tư cho một đường truyền riêng cho tốc độ 512Kbs một tháng thuê bao trung bình khoảng 10-15 triệu. Và giải pháp này chỉ thực hiện truyền dữ liệu theo hình thức một chiều.

Giải pháp đồng bộ hóa số liệu tức là truyền nhận dữ liệu tự động giữa các chi nhánh thông qua nền tảng đường truyền VPN. Về lý thuyết giải pháp này thực hiện tốt theo cả hai phương thức một chiều và hai chiều, tuy nhiên thực tiễn chưa chứng minh được điều trên có đúng không.

Sau một thời gian triển khai và nghiên cứu nhóm cán bộ triển khai sản phẩm Fast Bussiness thuộc Văn phòng FAST Hà Nội đã đưa ra được một giải pháp về việc đồng bộ hóa CSDL hai chiều như đã nói ở trên. Giải pháp cho phép có thể chỉnh sửa và nhập dữ liệu tại nhà máy và văn phòng công ty.

Vì sao lại chọn giải pháp của FAST?

Bốn ưu điểm sau đây sẽ khiến các doanh nghiệp quyết định lựa chọn sử dụng giải pháp đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu hai chiều của FAST. Đó là:

• Thứ nhất, cấu hình đơn giản. Thay vì sử dụng Replication cấu hình rất phức tạp, ta sử dụng DTS cài đặt rất đơn giản và nhanh, tiết kiệm thời gian, tránh nhiều sai sót.

• Thứ hai, an toàn dữ liệu cao. Dữ liệu được đồng bộ hóa ở hai nơi, mỗi nơi là bản sao của nơi kia và ngược lại, như vậy giảm thiểu rủi ro mất mát số liệu.

• Thứ ba, chi phí cho giải pháp thấp. Giải pháp này sử dụng đường truyền VPN tốc độ không cần cao như giải pháp online, tốc độ upload tối thiểu chỉ cần 256Kbs.

• Thứ tư, chủ động trong việc truyền và nhận dữ liệu. Có thể đặt lịch cho các tác vụ truyền dữ liệu, nên rất linh hoạt trong việc tập trung số liệu.

Giải pháp truyền nhận số liệu này mở ra một ứng dụng rất lớn cho việc triển khai tại các công ty có nhiều chi nhánh, nhiều đơn vị thành viên ở rất xa nhau mà từ trước đến nay thường được thực hiện thông qua copy vào – ra, tiềm ẩn nhiều sai sót.

Một số bước cơ bản trong cấu hình giải pháp đồng bộ số liệu nói trên như sau: Dùng một CSDL trung gian chứa các bảng cần đồng bộ. Sử dụng SQL Server với chức năng JOB để thực hiện việc chuyển dữ liệu mới nhất từ CSDL gốc về CSDL trung gian sau đó sử dụng cơ chế Data Transformation Services (DTS) để chuyển CSDL trung gian về CSDL trung gian tại nơi nhận, cuối cùng dùng JOB để chuyển dữ liệu từ CSDL trung gian vào CSDL gốc tại nơi nhận.

Tác giả: Nguyễn Quốc Khánh - Trưởng nhóm giải pháp ERP - Công ty CP Phần mềm QLDN (FAST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét